⛈️⛈️ TẠI SAO CON KHÔNG NGHE LỜI ⛈️⛈️
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời than phiền rằng: “Cháu nhà em… em đã nói mãi mà nước đổ lá khoai, nó chẳng nghe câu nào”… rồi thì “Con bé này/thằng bé này rất bướng, nó cứ lì ra”… Vậy lí do tại sao con không nghe lời? Sau đây là một vài lí do:
🍁 Hiệu quả của việc dạy dỗ bằng lời thường không cao
Các cha mẹ chú ý, khi chúng ta dự định nói 100%, chúng ta thốt ra lời thì chỉ còn độ 80%, thậm chí 60% ý ta muốn nói. Cá biệt có trường hợp cha mẹ nghĩ nhanh hơn nói thì câu cú ngắn gọn và quá khó hiểu.
Ví dụ: “À, mẹ đã bảo là không được làm thế cơ mà!”. (Một câu như vậy thì con hiểu được mới lạ?!? Làm thế là làm cái gì? Tại sao không được làm như vậy?) Con đã làm điều đó khi nào? Tác hại ra sao? Nếu câu nói này đặt trong một ngữ cảnh là mẹ và con đang bàn bạc về vấn đề gì đó thì con có thể hiểu được một chút. Nhưng không hiếm các bố mẹ nghĩ sao nói đó, vừa gặp con đã nói ngay lập tức ra một câu như vậy mà không biết rằng con mình không hề biết mình đang nghĩ gì trong đầu.
Từ miệng cha mẹ đến tại chỉ còn 40 – 50%. Đôi khi con mải gì đó thì câu cú nghe không rõ, có khi chỉ còn độ 20% thôi. Con nghe và nếu suy nghĩ về câu nói đó thì còn ngấm vào não, không có khi trượt qua mà con chẳng biết bố mẹ nói gì. Vì thế, vào đến não con có khi chỉ còn từ 10 – 20% thôi. Một bà mẹ thử vài lần yêu cầu con gái lặp lại câu mẹ nói, và con đã nói ra một câu hoàn toàn sai bét.
Do vậy, nếu bố mẹ cứ nghĩ đã nói với con như thế xong nghĩa là dạy con rồi thì rõ ràng là không thể hi vọng con thay đổi hoặc ngoan ngoãn hơn.
🍁 Bố mẹ hay áp đặt
Khi con muốn làm một việc gì đó nguy hại cho con, bố mẹ tuyên bố cấm nhưng không hề nói lý do cấm là gì. Các con bị cấm nghĩa là cảm thấy việc đó thú vị lắm, vậy thì ta nên thử khi nào bố mẹ không để ý là được. Nếu câu nói nào cũng là các câu áp đặt thì con sớm sinh ra khả năng phản kháng, loại bỏ lời dạy bảo đó ra khỏi đầu và tìm cách làm ngược lại những gì cha mẹ đã nói. Điều này khiến bố mẹ rất bực nhưng rõ ràng là không hiệu quả.
🍁 Bố mẹ hay hô khẩu hiệu
Bạn sẽ nhìn ra một ông bố như vậy. Ông bố này liên tục nói: con phải… con phải… con phải… Khi con làm không được, ông bố này mắng mỏ và tỏ thái độ thất vọng rõ rệt, thậm chí sỉ nhục con. Điều này không làm cho con giỏi hơn, ngoan hơn mà khiến cho khoảng cách giữa con cái và bố mẹ xa hơn. Con sẽ nghĩ bố mẹ không hiểu mình, không tôn trọng mình. Nhiều bé cảm nhận rõ sự thất vọng của bố mẹ nên thiếu tự tin, thu mình lại và né tránh.
🍁 Luôn nói những lý thuyết rất đẹp, đôi khi không tưởng
Ví dụ: Các bố mẹ thường vẽ bản thân tuyệt đẹp, giỏi giang, tài hoa và nghĩ con cần nhìn đó để học tập. Thực tế việc dập khuôn theo ai là điều không dễ trừ khi có sự ngưỡng mộ vô cùng lớn. Vì thế, việc này khiến con cảm thấy quá khó khăn (nên tốt nhất là chẳng làm). Hơn nữa, bố mẹ cũng không thật sự lý tưởng như bản thân nói đâu. Là con người, ai cũng có sai lầm cả, bố mẹ luôn coi mình giỏi giang, tốt đẹp mọi mặt thì con sẽ sớm nhận ra điều đó là không thật. Con sẽ thấy bố mẹ có nhiều vấn đề, nhiều sai lầm. Lúc đó, hình ảnh bố mẹ trong con là khoác lác, nói dối nhiều hơn.
🍁 Luôn nghĩ rằng cần phải khuyên răn con bằng những lời lẽ đẹp
Thực tế thì việc dạy các con không nhất thiết phải là nói những lý thuyết đẹp. Đôi khi, va vấp của bố mẹ thời trẻ, những tính xấu của bố mẹ để lại hậu quả này nọ lại là bài học thú vị để con tự sửa đổi mình.
🍁 Bố mẹ hay lấy người khác ra làm gương
Đây là điều các con ghét nhất ở bố mẹ mình. Điều này cũng giống hệt điều ở trên. Nhiều bé đã nảy sinh những suy nghĩ bất bình kiểu như: “Bố mẹ kém bố mẹ nhà bạn A thế bảo làm sao con giỏi hơn A được”. Có bé nói ra miệng và lại bị bố mẹ đánh mắng.
🍁 Bố mẹ không nhất quán
Khi đã tuyên bố một câu nào đó, bố mẹ cần phải thực hiện trước sau như một. Có bà mẹ dọa con là nếu không ngoan sẽ cho ở nhà một mình lúc cả nhà đi chơi nhưng rồi sau đó dù con vẫn không ngoan lại giục con nhanh lên để đi cùng cả nhà. Điều này làm cho các bé cảm thấy lời nói của bố mẹ không chắc chắn, chúng không tin tưởng và nghĩ rằng không việc gì phải sợ mấy lời đe dọa đó của bố mẹ.
🍁 Nhắc nhở con quá nhiều lần
Điều này ban đầu thì không sao, trẻ chỉ hơi ỷ lại một chút. Nhưng đến khi con dần lớn lên, cơ thể đang có những biến đổi, con dễ cảm thấy khó chịu, bực bội. Con có cảm giác bị giám sát, kiểm soát. Con nghĩ bố mẹ không tin tưởng mình. Vì thế con sẽ càng không nghe lời để thể hiện thái độ. Với mỗi vấn đề bé chưa đúng, chỉ nhắc nhở vừa đủ và nêu cho con thấy kết quả của hành động chưa đúng đó của con và để con chọn lựa tiếp tục sai hay tự mình dừng lại.
🍁 Luôn nghĩ con mình đặc biệt, bướng đặc biệt, lỳ đặc biệt…
Khi có những nhận định này, các bố mẹ có xu hướng buông xuôi hoặc tỏ thái độ bất lực khi con không vâng lời. Lúc đó khoảng cách giữa bố mẹ và con càng xa hơn, khó hiểu nhau hơn. Đặc biệt, việc bố mẹ thường xuyên nói với người khác trước mặt con là “nó bướng lắm, nó lỳ lắm, không nói nổi…” sẽ khiến con tự xây dựng suy nghĩ cho mình “À, hóa ra mình là thế đấy, thế thì mình cứ tiếp tục như vậy đấy…”, ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con sau này.
Mỗi khi các bé có điều gì không ngoan, bố mẹ thường nghĩ sao con mình tệ thế nhỉ. Đặc biệt là khi mình đã nói đi nói lại nhiều lần con vẫn không nghe. Mỗi một vấn đề có những lí do khác nhau. Hiểu được vấn đề của bản thân người lớn là gốc để dạy trẻ, hãy là những bố mẹ biết lắng nghe và tìm ra vấn đề thực sự để điều chỉnh con nhé.