TIME – OUT VÀ NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ CẦN BIẾT

Rất nhiều cha mẹ sử dụng time-out để giáo dục trẻ khi trẻ ương bướng. Người thì chọn cho trẻ úp mặt vào tường. Có người thì để trẻ vào phòng lâu lâu mở cửa phòng xem thế nào, lúc bỏ đi thì im ắng nhưng lúc mở cửa thì trẻ gào khóc… Nhưng điều đáng quan tâm ở đây đó là: Dường như mọi việc vẫn vậy, trẻ vẫn cứ ương bướng, mẹ vẫn cứ time-out. Thực ra, những cách làm như trên là làm chưa đúng ý nghĩa của time-out.

Time-out là 1 kỹ thuật được khuyên vì bản chất của nó không phải là hình phạt, mà là 1 công cụ giúp trẻ nhìn nhận lại giây phút hiện tại của trẻ đang có và nhận biết hành vi trẻ đang diễn ra. Nó tạo 1 không gian đủ nhàm chán để trẻ học về hành vi và thay đổi tốt hơn.

Nói dễ hiểu là time-out không phải là cách phạt, hở tí là sử dụng như 1 công cụ răn đe như “cái roi” vì nếu làm vậy thì trẻ sẽ dễ bị “lờn” và không còn hiệu quả trong giáo dục. Nó nên hiểu là 1 khoảng thời gian mà ở đó trẻ bị mất kết nối với mẹ, cảm thấy rằng hành vi trẻ đang làm dẫn đến 1 cảm giác nhàm chán và đứa trẻ nào cũng thông minh để biết tránh cảm giác này. Điều đó mới thực sự giúp trẻ thay đổi hành vi.

 


     Để time-out đúng và mang lại hiệu quả giáo dục với trẻ bạn cần làm đúng những điều sau:
1. Thái độ của cha mẹ khi ra hiệu lệnh time-out: nhớ là time-out không phải cái roi, cứ thích là nói, mà khi nói phải có sức nặng ngàn cân, không gì thay đổi quyết định dù trẻ có năn nỉ. Thái độ quyết tâm và kiên quyết mới là thứ trẻ phải cân nhắc. Bạn nghĩ trẻ sợ cái roi của bạn hay là thái độ của bạn. Thực tế đứa trẻ sợ nhất là thái độ của cha mẹ, luôn kiên quyết và nghiêm khắc thưởng phạt rõ ràng. Có vậy, mới tạo ra 1 đứa trẻ có kỷ luật thực sự.
2. Thái độ của cha mẹ khi hiệu lệnh time-out đã được ban ra: Khi đã ra lệnh time-out thì bạn đừng đôi co với trẻ, đừng nói dạng như “mẹ nói nhiều lần rồi, lì quá, bây giờ vào time-out”. Chỉ nói đơn giản lí do trẻ sẽ phải vào time-out là được. VD, con không được đánh như vậy, time-out! Thái độ lúc này là cần kiên quyết, còn sự giải thích yêu thương là công việc sau time-out. Trẻ cần hiểu theo thứ tự.
3. Thái độ của cha mẹ trong time-out: trẻ cần thời gian để suy nghĩ và thay đổi, thì bạn cũng vậy, dành thời gian đó chỉ âm thầm quan sát trẻ để đảm bảo trẻ không tự làm đau bản thân, đừng quá chăm chăm như câu chuyện đầu bài lâu lâu chạy vào hỏi thăm, nhìn xem.
Nhớ là, không nên dùng phòng ngủ, phòng khách có ghế sofa, nệm, ghế lười hoặc nơi có yếu tố sao nhãng như đồ chơi, tv, sách… làm nơi time-out vì khi đó trẻ dễ bị sao nhãng và không còn ý nghĩa của phương pháp này. Tốt nhất là 1 góc nhà yên tĩnh, có thể đặt 1 cái ghế hoặc 1 tấm thảm để trẻ hiểu đó là nơi time-out.
Khi time-out diễn ra, bạn cần quyết tâm giúp trẻ hoàn tất thời gian quy định. Nếu trẻ đòi ra ngoài hoặc chạy ra ngoài bạn cần ngồi xuống để tầm mắt ngang với trẻ và dùng hai tay ôm trẻ vào lại time-out. Lúc này bạn chỉ cần nói nghiêm: “con cần phải vào time-out cho đến khi nó kết thúc”, mà không nên đôi co gì hoặc hứa hẹn như “ngoan đi mẹ cho con ra sớm nhé”.
4. Kết nối với trẻ sau time-out: đây là 1 việc nên làm và làm trong 24h sau time-out. Nếu ngày có nhiều hơn 2 lần time-out thì miễn trong 24 giờ của lần gần nhất là được. Kết nối lại với trẻ là lúc cả hai cảm thấy vui vẻ trò chuyện về điều gì nên, điều gì không, có thể thông qua trò chuyện hoặc đọc sách. Điều này giúp ích rất nhiều trong thay đổi hành vi vì người ta thấy rằng thời điểm đó trẻ thường vui vẻ đón nhận hơn là làm điều này ngay lúc trẻ bị time-out.

     Những tình huống phát sinh xoay quanh việc áp dụng time – out với trẻ:

1. Trẻ la hét, khóc lóc trong suốt thời gian chịu phạt time-out và kể cả khi hình phạt đã kết thúc, nên làm gì? 

Theo nhiều bậc cha mẹ chia sẻ là trẻ khóc khi đang chịu phạt, thậm chí là khóc kể cả khi đã hết thời gian chịu phạt, cha mẹ nên áp dụng chiêu “ăn bánh bơ, đội mũ phớt” với hành động ấy của trẻ. Bởi thông thường thì đứa trẻ nào cũng sẽ khóc lóc khi bị phạt và đây là một trạng thái tâm lý bình thường của trẻ nhỏ. Thế nên, tùy vào khả năng kiểm soát và kinh nghiệm trải nghiệm hình phạt mà có trẻ sẽ nín ngay sau đó nhưng có trẻ vẫn sẽ khóc dai dẳng.

Thực tế là nhiều trẻ sẽ ngừng khóc sau một vài lần nhận ra rằng việc mình khóc lóc chả mang lại kết quả tích cực nào, bố mẹ chẳng mảy may quan tâm. Trường hợp bé vẫn khóc khi thời gian phạt đã kết thúc, bạn không nên tiếp tục phạt bé, hãy nói cho bé hiểu rằng lần sau nếu bị phạt, con chỉ có thể ra khỏi vị trí bị phạt nếu hết khóc và biết nghe lời.

2. Cha mẹ phải làm gì nếu trẻ đòi đi uống nước hay đi vệ sinh khi đang thực hiện time-out?

Theo cách chuyên gia nhi khoa của CDC, Hoa Kỳ: Thực tế là thời gian thực thi hình phạt time-out khá ngắn nên bạn không cần chú ý đến những nhu cầu, sinh hoạt cá nhân của trẻ. Nếu bạn thỏa hiệp cho con đi uống nước hay đi vệ sinh khi đang bị phạt, trẻ sẽ biết “lợi dụng” điều này trong những lần phạt sau hoặc tìm cách thoát khỏi hình phạt trước thời hạn.

Trong trường hợp trẻ thật sự cần đi vệ sinh, bạn nên nói cho trẻ biết là thời gian phạt sẽ được bấm dừng và sau khi con đi vệ sinh xong thì vẫn tiếp tục chịu phạt đến hết giờ.

3. Khi trẻ tự ý rời khỏi vị trí bị phạt, cha mẹ nên làm gì? 

Bạn nên nghiêm khắc nhắc nhở bé quay lại vị trí bị phạt và ở đó cho đến hết giờ, đừng quên cho con biết điều gì sẽ xảy ra nếu bé không nghe lời. Điều này giúp bé suy nghĩ đưa ra lựa chọn, từ đó giúp khả năng nhận thức của con phát triển.

Khi đưa ra luật này, bạn phải làm theo đúng luật. Việc này giúp trẻ rút ra được bài học là phải đưa ra lựa chọn và chịu trách nhiệm với điều đó.

4. Nhà có hai trẻ nhỏ, thường tranh giành đồ chơi hay chòng ghẹo nhau, cha mẹ nên ứng xử thế nào?  

Theo nhiều chuyên gia tâm lý về nuôi dạy trẻ, trong trường hợp này, bạn nên xác định xem trẻ nào là “đầu têu” của cuộc chiến và áp dụng hình phạt time-out với trẻ đó. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc việc “phạt” cả món đồ chơi – tác nhân của cuộc chiến – trong khoảng thời gian nhất định, để trẻ không được chơi nữa.

Trường hợp cả hai đứa trẻ đều góp phần gây ra “cuộc chiến” hoặc bạn không xác định được bé nào khơi mào “chiến sự”, bạn có thể cân nhắc đến việc phạt cả hai và “phạt” cả món đồ chơi, đừng quên cho trẻ biết lý do. Thời gian mà món đồ chơi bị phạt time-out bằng trung bình cộng số tuổi của hai đứa trẻ. Sau đó, hãy nói cho trẻ hiểu tại sao đồ chơi cũng bị phạt và các con nên chia sẻ đồ chơi với nhau một cách hợp lý, hòa thuận khi chơi chung.

5. Trẻ phá quấy ở nơi công cộng, nên tìm vùng time-out để phạt trẻ như thế nào? 

Việc trẻ phá quấy nơi công cộng bằng hành vi khóc lóc, ăn vạ, la hét… không hiếm xảy ra. Trong trường hợp này, bạn hãy tìm một góc nào đó ít người qua lại và nói cho trẻ hiểu rằng bạn sẽ đếm từ 1 đến 3, nếu con không ngừng lại thì bé phải chịu phạt. Khi đếm, bạn hãy đếm thật chậm rãi để con có thời gian điều chỉnh cảm xúc của mình, từ đó có thể điều chỉnh hành vi phù hợp. Nếu trẻ vẫn không nghe lời, bạn nên áp dụng hình phạt time-out.

Nếu muốn áp dụng hình phạt time-out để dạy con, uốn nắn các hành vi quấy phá của trẻ, bạn hãy thật kiên nhẫn. Thời gian là liệu pháp tối ưu giúp giải quyết rất nhiều vấn đề phải không bạn?